Năm 2030, Bình Thuận trở thành trung tâm văn hoá, thể thao, du lịch biển mang tầm quốc gia
Nhằm khai thác hiệu quả những tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương, Bình Thuận đã xác định mục tiêu tập trung xây dựng tỉnh có kinh tế mạnh về biển trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ; bảo đảm phát triển bền vững kinh tế biển, trong đó ưu tiên phát triển một trong ba trụ cột chính: ngành du lịch.
Lễ bàn giao dự án phát triển du lịch tỉnh bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú, theo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, thân thiện với môi trường, đưa Việt Nam trở thành điểm đến đẳng cấp trong khu vực. Đến năm 2030, Việt Nam thành một trong những điểm đến du lịch ưa chuộng, có đẳng cấp trên thế giới.
Bình Thuận là tỉnh nằm ở cực Nam Trung Bộ, khu vực ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (vùng TP. Hồ Chí Minh). Với vị trí địa lý chiến lược, phía Đông - Đông Nam giáp biển Đông, phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai, phía Tây Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phía Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng – Ninh Thuận, bên cạnh hệ thống giao thông thuận lợi: Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam nối Bình Thuận với các tỉnh phía Bắc và phía Nam; Quốc lộ 28 nối với các tỉnh Tây Nguyên, Quốc lộ 55 nối TP. Vũng Tàu với Bình Thuận và Lâm Đồng, đặc biệt Bình Thuận cách những trung tâm kinh tế lớn của phía Nam như TP. Vũng Tàu khoảng 120km, TP. Hồ Chí Minh khoảng 200km, TP. Nha Trang khoảng 250km và TP. Đà Lạt khoảng 130 km, có đường hàng hải quốc tế, đã tạo điều kiện cho tỉnh Bình Thuận phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng.
Bản đồ quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị tỉnh Bình Thuận tầm nhìn đến năm 2030
Bên cạnh đó, Bình Thuận có nguồn tài nguyên du lịch phong phú gắn với biển, rừng và đảo; có bờ biển dài 192km, nhiều bãi biển đẹp, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia như Núi Ông, núi Tà Cú, khu bảo tồn biển đảo Phú Quý, Cù Lao Câu đa dạng sinh học; có cảnh quan đặc trưng nổi tiếng như đồi cát bay Mũi Né, Bàu Trắng, Mũi Kê Gà, các hồ thác thủy điện, suối khoáng nóng Vĩnh Hảo, Đa Kai, ....
Đồng thời, tỉnh Bình Thuận còn có tài nguyên nhân văn đa dạng, nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia nổi tiếng như tháp Chăm Pô Sah Inư, Trường Dục Thanh, Dinh Thầy Thím, Cổ Thạch Tự ... Trên địa bàn tỉnh có 34 dân tộc cùng sinh sống như dân tộc Kinh, Raglai, Hoa, Chăm, Giarai, Cơ Ho, Tày, Chơ Ro, Nùng,... Mỗi dân tộc có những nền văn hóa, phong tục tập quán, ngành nghề truyền thống, lễ hội, lịch sử khác nhau tạo cho nơi đây có một nền văn hóa mang đậm bản sắc riêng. Cụ thể, những sản phẩm đặc trưng đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận như: Thương hiệu nước mắm đầu tiên tại Việt Nam, Đồi cát bay Mũi Né, Bãi đá Cổ Thạch, Resort - hotel nằm ven biển nhiều nhất, lễ hội Nghinh Ông Quan thánh Đế Quân, Rồng xanh dài nhất, Tượng Phật Thích ca nhập niết bàn dài nhất, diện tích trồng thanh long nhiều nhất, nuôi trồng tảo quý Spirulina, .... Với thuận lợi về vị trí, nhiều tài nguyên du lịch là động lực cho ngành du lịch phát triển, hướng tới ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Mũi Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận - nơi được mệnh danh là "thiên đường nghỉ dưỡng"
Trong thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Bình Thuận đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Doanh thu du lịch hàng năm đều tăng, cơ sở vật chất ngành du lịch đã được xây dựng, các tuyến, điểm du lịch đầu tư nâng cấp. Tuy ngành du lịch đã có sự phát triển mạnh mẽ như vậy nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có, tài nguyên du lịch chưa được khai thác toàn diện, chủ yếu mới chỉ phát triển khu vực ven biển, thiếu các dự án du lịch, trung tâm vui chơi giải trí, thương mại mua sắm quy mô lớn để kéo dài thời gian lưu trú, tăng cơ cấu chi tiêu. Nhiều dự án du lịch chậm triển khai do vướng mắc đền bù giải tỏa, nằm trong khu vực có mỏ titan hoặc chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn đơn điệu, ý thức cộng đồng về du lịch chưa đồng đều; chất lượng lao động du lịch còn thấp, chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn yếu, quản lý nhà nước về du lịch còn bất cập.
Bình Thuận nằm trong vùng du lịch Nam Trung Bộ - Nam Bộ, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển năng động nhất nước nên thực sự có nhiều cơ hội cho tỉnh, bên cạnh đó cũng có nhiều khó khăn về cạnh tranh thu hút đầu tư, sản phẩm du lịch. Xu hướng toàn cầu hóa, Việt Nam đã gia nhập WTO, sự biến đổi khí hậu toàn cầu, …tạo ra thách thức lớn cho ngành du lịch tỉnh Bình Thuận trên con đường hội nhập và phát triển.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2010 được phê duyệt năm 2002, đã góp phần trong việc quản lý và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Để phù hợp với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam trong tương lai gần cũng như đáp ứng được những yêu cầu mới phát triển du lịch về tính chuyên nghiệp, tính hiện đại, hội nhập và tính hiệu quả, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, cần thiết phải quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với tình hình mới trên cơ sở khai thác các lợi thế vị trí, tiềm năng du lịch, giải quyết những tồn tại bất cập hiện nay, hướng tới tầm nhìn chiến lược, phát triển du lịch Bình Thuận bền vững.
Nguồn: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030 của tỉnh Bình Thuận.
PV F.HOUSE tổng hợp và đưa tin
Tags:bất động sản phan thiết mũi nébiệt thự biển phan thiếtđất nền phan thiết mũi nénghỉ dưỡng phan thiếtbất động sản fhouseTropical Ocean Villas & Resort
LIÊN HỆ THÔNG TIN
Kính chào quý khách hàng đang liên hệ với F.House! Gửi nội dung liên hệ quý khách cần để được F.House phục vụ hiệu quả và nhanh chóng. Trân trọng!